Tiểu sử Phạm_Đình_Hổ

Ẩn cư

Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tí (1768), nguyên quán tại hương Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là ấm sinh của một vọng tộc khoa hoạn, có cha là Phạm Đình Dư đã đỗ cử nhân, làm Hiến sát Sơn Nam Hạ, rồi thăng Tuần phủ Sơn Tây, sau về trí sĩ ở phường Hà Khẩu (nay là phố Hàng Buồm, Hà Nội) năm Giáp Ngọ (1774).

Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí rằng: Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời...[1]. Tuy học & đọc nhiều sách (năm 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.

Gặp buổi loạn lạc, Mẫn đế cho người chạy sang cầu viện nhà Thanh, rồi triều đình Lê trung hưng sụp đổ, nhà Tây Sơn lên cầm quyền... Suốt quãng thời gian này, Phạm Đình Hổ sống đời cơ hàn dạy học ở quê.

Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử; ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Tại đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Làm quan

Năm Canh Thìn (1820), có chỉ triệu ông và Phan Huy Chú vào Huế đợi mệnh cất dùng, nhưng vì ốm ông không vào được.

Năm Tân Tị (1821), vua Minh Mệnh ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, được vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tình hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, trước thuật... nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, bèn được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, được ít lâu, ông xin từ chức.

Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, cho làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Về việc này, Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực ghi như sau:

Thự Tế tửu Phạm Đình Hổ xin giải chức. Vua y cho. Hổ là người cương trực, dạy học rất nghiêm khắc. Lúc học ở Quốc Tử Giám, có một công tử không vâng lời, Hổ rút giày ném vào công tử ấy. Công tử hỏi rằng: Roi dùng làm hình phạt học trò, nay lấy giày mà ném, là nghĩa gì? rồi cầm ngay giày ấy ném lại, và nói: "Không đậu đại khoa thì không đủ làm mô phạm". Hổ thẹn quá, dâng biểu xin về Bắc thành dưỡng bệnh, vua cho 100 quan tiền.

Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về trí sĩ. Năm Kỷ Hợi (1839), Phạm Đình Hổ mất, thọ 71 tuổi.